Để đảm bảo an toàn PCCC & CNCH, nhất là trong mùa hanh khô, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác PCCC & CNCH trong năm 2024, đồng thời để chủ động thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy rừng, Sở Nông nghiệp và PTNT_Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ban hành Công văn số 276/SNN-CCKL ngày 16/01/2024 về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Lực lượng chức năng tuần tra, kiểm tra trên núi Minh Đạm
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chi cục Kiểm lâm và các chủ rừng tăng cường Kiểm lâm đến các địa bàn trọng điểm về cháy rừng để tham mưu cho cấp chính quyền cơ sở thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, trong đó yêu cầu các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn đăng ký thời gian đốt xử lý thực bì trồng rừng và đốt nương làm rẫy với trưởng thôn, Kiểm lâm địa bàn để theo dõi, hướng dẫn, nhằm kiểm soát quá trình sử dụng lửa trong xử lý thực bì. Trong những ngày nắng nóng, cấp dự báo cháy rừng ở cấp IV (Cấp nguy hiểm) và cấp V (Cấp cực kỳ nguy hiểm) nghiêm cấm mọi hành vi sử dụng lửa trong, gần rừng và đốt, xử lý thực bì trồng rừng, đốt nương làm rẫy không đúng quy định.
Chỉ đạo theo dõi thường xuyên thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm tại địa chỉ Website: http://kiemlam.org.vn và hệ thống cảnh bảo vị trí điểm cháy qua hệ thống tin nhắn của Chi cục Kiểm lâm để kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo ngay sau khi phát hiện cháy rừng về Cục Kiểm lâm theo quy định tại Thông tư số 25/2019/TT-BNNPTNT ngày 27 tháng 12 năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng, để phối hợp chỉ đạo và huy động lực lượng chữa cháy rừng trong trường hợp cần thiết.
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục bảo vệ rừng và PCCCR trong cộng đồng dân cư bằng các hình thức phù hợp với từng địa bàn, nhất là trong những tháng cao điểm của mùa khô 2023 – 2024.
Các BQL Rừng và chủ rừng khẩn trương hoàn thiện công trình PCCCR năm 2023-2024 theo phương án đã phê duyệt nhằm chủ động trong việc ứng cháy trong giai đoạn mùa khô cao điểm (cấp V) sắp tới; tiếp nước vào các hồ chứa nước, vệ sinh và sửa chữa các hồ chứa nước phòng cháy chữa cháy; đóng các bảng chỉ dẫn đến các hồ chứa nước.
Tổ chức thường trực công tác PCCCR 24/24 giờ trong thời kỳ cao điểm, có nguy cơ cao về cháy rừng; bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; nghiêm túc triển khai thực hiện phương án phòng cháy chữa cháy rừng, sẵn sàng chuẩn bị lực lượng, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ; có phương án chữa cháy rừng cụ thể phù hợp với từng khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng, chủ động kiểm soát tình hình, kịp thời phát hiện và khống chế nhanh nhất các tình huống cháy rừng, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn.
Củng cố lực lượng tuần tra hàng ngày để bảo vệ rừng, ngăn chặn người không được phép vào rừng; xây dựng và thực hiện kế hoạch tuần tra trên lâm phần được giao, đặc biệt đối với những khu vực rừng trọng điểm; tổ chức họp giao ban định kỳ giữa các chủ rừng và cơ quan kiểm lâm trong suốt mùa cao điểm PCCCR để kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót trong công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR.
Tiến hành kiểm tra và làm rõ trách nhiệm của các hộ nhận khoán trong công tác PCCCR trên phần diện tích nhận khoán; đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm các hộ nhận khoán nếu có dấu hiệu vi phạm các quy định về PCCCR, nhằm răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia và thông tin do Trung tâm Khí tượng Chuyên ngành ASEAN (ASMC) cung cấp, trong thời gian tới, hiện tượng El Nino sẽ khiến nhiệt độ trung bình các tháng có xu thế cao hơn bình thường khoảng 0,5-1,5 độ so với trung bình nhiều năm; tình trạng nắng nóng, lượng mưa thiếu hụt, tình trạng khô hạn sẽ diễn ra ở nhiều địa phương, báo động về cháy rừng sẽ được đặt ở mức độ cao nhất. Hiện nay, nắng nóng gay gắt đang diễn ra ở các địa phương khu vực Nam bộ, một số địa phương có nguy cơ cháy rừng ở mức cao, Cấp IV - Cấp V, (Cấp nguy hiểm và Cực kỳ nguy hiểm).
VTH