ĐƯỜNG DÂY NÓNG: (0254) 3732.318 - (0254) 3732.320
Thông tin hoạt động

Hội nghị triển khai công tác lâm nghiệp năm 2022


Ngày 02/3/2022, Tổng cục Lâm nghiệp đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác Lâm nghiệp năm 2022 bằng hình thức trực tuyến với đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Kiểm lâm, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của 60 tỉnh, thành phố có rừng thông qua 160 điểm cầu. Tại đầu cầu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu do bà Phạm Thị Na - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì.



Tổng cục trưởng Nguyễn Quốc Trị phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Đánh giá lại những kết quả năm 2021 của ngành Lâm nghiệp, Tổng cục trưởng Nguyễn Quốc Trị khẳng định ngành đã triển khai thực hiện và hoàn thành khối lượng lớn các công việc trọng tâm và đạt được nhiều kết quả. Đặc biệt là trên 03 chỉ tiêu về tỷ lệ che phủ rừng, giá trị xuất khẩu lâm sản và giá trị thu dịch vụ môi trường rừng.

Về tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc, đã đạt 42,02%, tăng 0,01 % tương ứng trên 33 ngàn ha rừng. Đây là con số chỉ tiêu đã được đưa ra trong Nghị quyết của đại hội Đảng toàn Quốc và được Quốc hội giao,... Tổng cục trưởng khẳng định việc ngành hoàn thành và vượt mức đã thể hiện sự gia tăng số lượng, chất lượng rừng cũng như thúc đẩy phát triển các chỉ tiêu khác của ngành lâm nghiệp. Để có được con số này, là sự nỗ lực của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.

Giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2021 đạt gần 16 tỷ USD, chiếm gần 30% giá trị xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp, tương ứng 5% giá trị xuất khẩu toàn quốc, đã có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành, từ người trồng rừng đến người chế biến,... giúp ngành tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển tổng thể theo chuỗi trên tinh thần Luật Lâm nghiệp.

Thu dịch vụ môi trường rừng trên 3.153 tỷ đồng, khẳng định chiến lược của toàn ngành đang đi đúng hướng. Rừng không chỉ có ý nghĩa về môi trường mà còn có ý nghĩa lớn về kinh tế. Trong thời điểm kinh phí cho các hoạt động bảo vệ rừng còn hạn hẹp, thì đây chính là một nguồn lực quan trọng bù đắp để giúp công tác bảo vệ và phát triển rừng tốt hơn. Cùng với đó, các thỏa thuận, quốc tế, ý định thư mà Việt Nam đã ký về chi trả giảm phát thải cacbon... đã thể hiện ngành lâm nghiệp đang tiếp cận theo hướng khai thác được những giá trị đa dụng của rừng mang lại.

Năm 2022, ngành đặt ra chỉ tiêu bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có. Nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, tăng giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích, cụ thể: Duy trì tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%; chú trọng nâng cao chất lượng rừng. Tốc độ tăng giá trị gia tăng sản xuất lâm nghiệp 102,81%. Trồng rừng tập trung: 244.000 ha. Trồng cây phân tán: 121,6 triệu cây. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 16,3 tỷ USD. Khai thác gỗ: Tổng sản lượng khai thác gỗ đạt 31,5 triệu m3, trong đó: Khai thác từ rừng trồng tập trung: 21,0 triệu m3; khai thác cây trồng phân tán, cây vườn nhà: 5,5 triệu m3; khai thác diện tích cao su tái canh: 5 triệu m3. Thu dịch vụ môi trường rừng: 2.800 tỷ đồng. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ: 90.000 ha….

Để đạt được những mục tiêu trên, Tổng cục trưởng cũng đề nghị các địa phương tiếp tục tham gia sâu sắc, đầy đủ vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Thống nhất quan điểm, nhận thức trong xây dựng quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, tích hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia và các quy hoạch khác, đồng thời tích hợp với quy hoạch cấp tỉnh, để cùng gặp nhau tại một điểm. Các địa phương cũng cần có những đánh giá tổng thể về cơ sở hạ tầng lĩnh vực lâm nghiệp, thực trạng người dân sống trong các khu rừng đặc dụng, phòng hộ,... để có những đề xuất mang tính vĩ mô, tổng thể; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý.

VTH

Bài đã đăng:
Văn bản mới

Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản

Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

 Xem thêm