ĐƯỜNG DÂY NÓNG: (0254) 3732.318 - (0254) 3732.320
Thông tin hoạt động

Tăng cường bảo vệ động vật hoang dã


Nhân viên VQG Côn Đảo “đỡ đẻ” cho rùa biển. Ảnh: VQG Côn Đảo.
Nhân viên VQG Côn Đảo “đỡ đẻ” cho rùa biển. Ảnh: VQG Côn Đảo.

(Nguồn: Báo Bà Rịa-Vũng Tàu) BR-VT là một trong những địa phương có tài nguyên đa dạng sinh học phong phú cả về động và thực vật. Trong đó, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu và Vườn Quốc gia Côn Đảo là 2 địa chỉ có giá trị về bảo tồn gen, đa dạng sinh học ở khu vực Đông Nam bộ và thế giới. Tuy nhiên, những năm gần đây, số lượng các loại động vật tại các khu vực này đang có dấu hiệu suy giảm hoặc tuyệt chủng, đặc biệt là những loài động vật quý hiếm.

Theo Báo cáo kết quả khảo sát, đánh giá của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Khu bảo tồn (KBT) thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu được xác định có tổng cộng 205 loài động vật có xương sống, bao gồm 12 loài ếch nhái, 38 loài bò sát (kể cả rùa biển), 106 loài chim và 49 loài thú. Ngoài ra, KBT còn có một số loài quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như: Khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn, gà lôi hông tía, cu li nhỏ, rùa núi vàng... Các loài quý hiếm bao gồm 22 loài, trong đó có 4 loài thú, 7 loài chim, 10 loài bò sát và 1 loài ếch nhái.

So với kết quả điều tra ở thời điểm mới thành lập KBT (năm 1993), số loài thú được ghi nhận giảm sút nhiều so với trước đây. Ông Nguyễn Văn Quyết, Trưởng phòng Khoa học - Kỹ thuật, KBT thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu cho biết, hơn 20 năm qua, các tác động của con người làm suy giảm diện tích, chất lượng sinh cảnh của KBT. Các loài động vật quý hiếm trong KBT như voi, báo hoa mai, gấu chó, khỉ mặt đỏ, voọc bạc, sóc bay, trút, rái cá, công, gà tiền mặt đỏ, hồng hoàng… nay đã không còn tồn tại. Theo giải thích của ông Quyết, sự suy giảm diện tích trên toàn tỉnh nói chung và xung quanh KBT nói riêng đã chia cắt KBT với những khu vực còn rừng khác và khiến KBT trở thành một ốc đảo. Điều này gây tác động rất mạnh đối với khu hệ động vật, nhất là làm mất phần lớn sinh cảnh các loài có nhu cầu vùng sống lớn. Sự cô lập và phân mảnh là một trong những nguyên nhân chính làm nhiều loài thú lớn như gấu, báo, voi… đã biến mất khỏi khu vực.

Tuy nhiên, sự tuyệt chủng của các loài động vật hoang dã không phải đơn thuần do môi trường sống bị mất mà còn do chính bàn tay của con người trực tiếp gây ra. Theo thống kê của Hội Bảo vệ động vật Việt Nam, mỗi năm, hàng triệu cá thể động vật hoang dã bị săn bắn, bắt giữ từ thiên nhiên để buôn bán, làm thực phẩm, vật nuôi, da, đồ lưu niệm và dược phẩm… BR-VT cũng không tránh khỏi thực trạng này. Cụ thể, VQG Côn Đảo đang đối diện với mối đe dọa tuyệt chủng toàn cầu, bao gồm: 4 loài thú (dơi ngựa lớn, sóc bay lông tai, sóc bay Côn Đảo và sóc đen), 1 loài chim (bồ câu nicoba), 1 loài bò sát (trăn đất), 4 loài cá và 111 loài san hô. Theo thống kê của VQG Côn Đảo, từ năm 2007 đến nay, lực lượng kiểm lâm VQG Côn Đảo đã bắt giữ và lập biên bản khoảng 20 vụ bán trứng rùa, thịt rùa; khai thác, vận chuyển trứng, mổ thịt rùa trái phép. Các vụ việc đã được xử phạt mạnh tay, nhưng nhiều đối tượng vẫn tiếp tục vi phạm. Mặc dù được pháp luật bảo vệ nhưng các loài rùa biển ở Côn Đảo hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nạn buôn bán và săn bắt trái phép, chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu về thịt và các sản phẩm làm từ mai rùa.

Ông Trần Đình Huệ, Phó Giám đốc VQG Côn Đảo cho biết, các nghiên cứu ở Côn Đảo đã ghi nhận 29 loài thú, 85 loài chim, 38 loài bò sát, 8 loài ếch nhái, 203 loài cá nước mặn, 337 loài san hô, 58 loài giáp xác, 79 loài hai mảnh vỏ và 122 loài giun nhiều tơ. Ngoài giá trị là nguồn gen quý hiếm với nhiều loài được liệt kê trong Danh lục Đỏ IUCN và Sách đỏ Việt Nam, vùng biển Côn Đảo còn nổi tiếng là nơi có ghi nhận các loài thú biển như bò biển, cá heo, cá voi và là bãi đẻ của một số loài rùa biển. Côn Đảo cũng là nơi có số lượng vích làm tổ nhiều nhất ở Việt Nam. Để bảo vệ và phát triển hệ động vật trong vườn, VQG Côn Đảo đang tiếp tục nuôi thực nghiệm và chuyển giao nguồn giống nuôi phát triển các loài kỳ đà (năm 5), cầy hương (năm 4); nghiên cứu đặc tính sinh thái, hình thái loài chim Yến Hàng tại VQG Côn Đảo, tiếp tục thực hiện đề tài cấp tỉnh về “Nghiên cứu chuyển vị để phục hồi, bảo vệ trai tai tượng vảy tại Côn Đảo”; kiểm tra và đo sinh trưởng trai tai tượng tại các khu khoanh nuôi phục hồi...

Để bảo tồn, nhân nuôi sinh sản để bảo vệ động vật hoang dã, bên cạnh việc làm tốt công tác cứu hộ, KBT thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu và VQG Côn Đảo thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, hạt kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ thiên nhiên cho mọi người, phổ biến các văn bản của Nhà nước, Bộ NN-PTNT về việc săn bắt buôn bán động vật rừng.


Bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ động vật hoang dã là góp phần vào nỗ lực phát triển kinh tế bền vững và an sinh xã hội. Đây là thông điệp chính trong chương trình môi trường do Liên hợp quốc (UNEP) đưa ra trong Ngày Môi trường Thế giới 2016, ngày 5-6.

Nguồn: Báo Bà Rịa-Vũng Tàu



Bài đã đăng:
Văn bản mới

Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản

Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

 Xem thêm