ĐƯỜNG DÂY NÓNG: (0254) 3732.318 - (0254) 3732.320
Thông tin hoạt động

"Báo động đỏ" nguy cơ cháy rừng!


Thời gian gần đây, tình hình thời tiết, khí hậu có những diễn biến bất thường, tình trạng khô hanh kéo dài, nguy cơ cháy, nổ luôn ở mức độ cao. Trước tình hình trên, để ngăn ngừa và hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng xảy ra, các địa phương có rừng cần tăng cường các biện pháp cấp bách về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng.

Cảnh sát PCCC tỉnh chữa cháy rừng Minh Đạm (huyện Long Điền). Ảnh: MINH TUẤN
Cảnh sát PCCC tỉnh chữa cháy rừng Minh Đạm (huyện Long Điền). Ảnh: MINH TUẤN

Cảnh báo ở cấp độ V

Toàn tỉnh có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 33.041ha, chiếm 16,6% diện tích tự nhiên của tỉnh, trong đó, diện tích đất có rừng hơn 25.350ha. Rừng và đất lâm nghiệp phân bố rải rác trên tất cả 6 huyện, TP.Vũng Tàu và TP.Bà Rịa. Phần lớn diện tích rừng nằm trên địa hình triền dốc, đồi núi phức tạp như: Núi Lớn, Núi Nhỏ, núi Nứa-Long Sơn, Núi Dinh-Thị Vải, núi Minh Đạm, các đảo ở huyện Côn Đảo.

Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo và tăng cường đầu tư cho công tác PCCC rừng. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra các vụ cháy rừng trên các địa bàn với nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn từ con người, có thể cố ý hoặc vô ý gây cháy rừng. Tính từ đầu mùa khô 2016 đến nay, đã xảy ra 15 lần vụ cháy rừng lớn nhỏ. Trong đó, vụ cháy rừng lớn trên núi Minh Đạm (huyện Long Điền) xảy ra ngày 22-2-2016 làm thiệt hại 38,74ha rừng.

Theo ông Đoàn Duy Lâm, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh: Việc chữa cháy rừng trên núi Minh Đạm là một bài học kinh nghiệm trong tổ chức chỉ huy và phối hợp lực lượng khi có cháy xảy ra. Mặc dù lực lượng chữa cháy cơ sở có mặt kịp thời lúc đám cháy vừa xảy ra, nhưng với công cụ thô sơ trong tay, lực lượng này đã không thể khống chế được ngọn lửa, đám cháy bùng phát nhanh, mạnh, kéo dài. Khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp có mặt tại hiện trường, lại không có đường để dẫn nước từ xe bồn chữa cháy đến điểm cháy, mà chủ yếu phải phối hợp với lực lượng liên ngành để sử dụng can nhựa 10 lít vận chuyển nước tới từng điểm cháy. Do vậy, thời gian chữa cháy bị kéo dài, gây thiệt hại nhiều đến diện tích rừng.

Thời điểm hiện tại, cùng với diễn biến bất thường của thời tiết, nhiều địa phương có rừng đang đứng trước “báo động đỏ” về cháy rừng. Tỉnh BR-VT là một trong 15 địa phương trong cả nước được Cục Kiểm lâm cảnh báo cao nhất về cháy rừng đang ở cấp độ V- cấp cực kỳ nguy hiểm, chỉ cần một vài bất cẩn nhỏ của người dân trong quá trình sử dụng lửa có thể gây ra cháy rừng.

Không bị động trước “giặc lửa”

Qua các vụ cháy rừng trên phạm vi cả nước từ đầu mùa khô đến nay cho thấy, khả năng tiếp cận và xử lý cháy của lực lượng tại chỗ chưa đạt hiệu quả cao, còn chậm, dẫn đến một số vụ cháy chưa được dập tắt kịp thời, gây thiệt hại đến rừng. Mặt khác, hầu hết các vụ cháy rừng đều xảy ra vào thời điểm nắng nóng kéo dài, gió thổi mạnh, nên dù phát hiện kịp thời nhưng công tác chữa cháy vẫn gặp nhiều khó khăn.

Nhằm chủ động ứng phó với “giặc lửa” trong thời kỳ cao điểm mùa khô, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách PCCC rừng. Theo đó, kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ), xác định rõ các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng và cháy lớn theo mức độ kiểm soát của chủ rừng, thôn, xã, huyện và tỉnh. Tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 giờ, canh phòng và kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng dùng lửa trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng, PCCC rừng đến mọi tầng lớp nhân dân...

Báo Bà Rịa-Vũng Tàu


Bài đã đăng:
Văn bản mới

Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản

Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

 Xem thêm