ĐƯỜNG DÂY NÓNG: (0254) 3732.318 - (0254) 3732.320
Thông tin hoạt động

Đẩy nhanh tiến độ tổng điều tra, kiểm kê rừng


Bà rịa-Vũng Tàu nằm trong khu vực Đông Nam Bộ, có tổng diện tích đất tự nhiên198.864ha, trong đó đất quy hoạch lâm nghiệp là 33.041,4 ha, chiếm 16,6 % diện tích. Trong đó đất có rừng là 25.350,3 ha và đất chưa có rừng là 7.691,1 ha.

Dự án "Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc, giai đoạn 2013 - 2016" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15/4/2013, thời gian thực hiện từ ngày 1/6/2013 đến ngày 31/12/2016. Trong giai đoạn 2015-2016, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là 01 trong 20 tỉnh cuối cùng thực hiện dự ántheo Quyết định số 4273/QĐ-TCCB-TCLN ngày 27/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về giao nhiệm vụ cho các đơn vị thực hiện điều tra, kiểm kê rừng tại 20 tỉnh giai đoạn 2015-2016 thuộc Dự án “Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016".

Công tác điều tra, kiểm kê rừng được thực hiện theo 2 nội dung. Thứ nhất là công tác điều tra rừng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ cho Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (Trường Đại học Lâm nghiệp) triển khai từ tháng 11/2015 sẽ hoàn thành bàn giao kết quả cho địa phương vào cuối tháng 3/2016; sau đó giai đoạn thứ hai là công tác kiểm kê rừng do địa phương thực hiện từ tháng 4/2016 và dự kiến hoàn thành báo cáo kết quả trong tháng 6/2016.

Mục đích của việc kiểm kê rừng nhằm xác định hiện trạng, chất lượng rừng của từng chủ quản lý cụ thể và từng đơn vị hành chính. Thông qua công tác kiểm kê nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu theo dõi, quản lý tài nguyên rừng thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh, phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Phạm vi điều tra, kiểm kê rừng, đất chưa có rừng sẽ được tiến hành trên toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đối tượng điều tra, kiểm kê rừng là toàn bộ hiện trạng rừng được quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp và hiện trạng rừng ngoài quy hoạch cho lâm nghiệp; các trạng thái thực bì trên đất chưa có rừng; diện tích đất chưa có rừng được giao và cho thuê với mục đích phát triển rừng; chủ rừng theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp hoặc đã được giao quản lý, sử dụng rừng, cho thuê rừng, đất rừng. Tổng mức kinh phí thực hiện công tác kiểm kê rừng dự toán trên 3 tỷ đồng.


Phương pháp kiểm kê rừng được sử dụng sẽ kết hợp khả năng khoanh vẽ chính xác về ranh giới các trạng thái rừng và đất lâm nghiệp từ ảnh viễn thám. Sau đó tiến hành giải đoán bản đồ kết hợp công tác kiểm kê rừng của chủ rừng để đưa ra bộ số liệu có độ tin cậy cao. Đây là phương pháp hiện đại nhất được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Tất cả các chủ rừng trên địa bàn tỉnh đều được thông báo và giám sát quá trình kiểm kê.


Mục tiêu của dự án là xây dựng cơ sở dữ liệu theo dõi quản lý tài nguyên rừng thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh


Để bảo đảm thực hiện đúng kế hoạch, thời gian này, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tăng cường và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án. Công tác điều tra rừng do Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam (Trường Đại học Lâm nghiệp) phối hợp với địa phương thực hiện, đến nay đã hoàn thành phần giải đoán hình ảnh và điều tra ngoại nghiệp 8/8 huyện, thành phố.


Hiện nay, Trường đã phối hợp với địa phương tổ chức tập huấn kỹ thuật kiểm kê rừng cấp tỉnh và tiếp tục mở 06 lớp tập huấn cấp huyện, thành phố vào đầu tháng 4/2016. Về phía địa phương, đã thành lập 01 Tổ công tác kiểm kê rừng cấp tỉnh; 8/8 huyện, thành phố đã cóTổ công tác kiểm kê rừng cấp huyện; triển khai nhiều Hội nghị tuyên truyền công tác điều tra kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh đến các chủ rừng, sẵn sàng thực hiện kiểm kê rừng ngay sau khi kết thúc tập huấn.

Có thể thấy, việc điều tra kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh là việc làm rất cần thiết nhằm thu thập được các số liệu đầy đủ, sát thực về diện tích và chất lượng rừng, làm cơ sở xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực lâm nghiệp. Nhất là trong tình hình hiện nay, UBND tỉnh đang triển khai nhiều chính sách mới, có tính đột phá trong quản lý ngành lâm nghiệp như giao rừng, cho thuê rừng, chi trả phí dịch vụ môi trường rừng, chuyển đổi diện tích giữa 3 loại rừng hoặc chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích khác.


Để có được hệ thống số liệu chính xác, cần phải triển khai một khối lượng công việc rất lớn. Do đó, để công tác điều tra, kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao, đúng tiến độ, cần phối hợp chặt chẽ với Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam đẩy mạnh công tác tuyên truyền để hiểu rõ ý nghĩa và lợi ích của công tác điều tra, kiểm kê rừng.Bên cạnh sự nỗ lực của ngành chủ quản, rất cần được sự hỗ trợ đắc lực của các ngành và địa phương về nhân lực, tài liệu và kinh phí.


Thế Huy – Chi cục Kiểm lâm


Bài đã đăng:
Văn bản mới

Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản

Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

 Xem thêm