ĐƯỜNG DÂY NÓNG: (0254) 3732.318 - (0254) 3732.320
Thông tin hoạt động

Rừng ngập mặn đang cần bảo tồn


Khoảng 6 năm về trước, toàn tỉnh có hơn 5.100ha rừng ngập mặn (RNM), nhưng đến nay chỉ còn khoảng 2.250ha. Trước thực trạng này, trong mục tiêu phát triển kinh tế những năm gần đây, lãnh đạo tỉnh đều yêu cầu các địa phương phải xây dựng kế hoạch và triển khai trồng rừng mới để tăng tỷ lệ che phủ rừng.

Khảo sát dải rừng ngập mặn ven sông Thị Vải.
Khảo sát dải rừng ngập mặn ven sông Thị Vải.

Diện tích rừng giảm mạnh

Theo Sở TN-MT, rừng ngập mặn (RNM) rất quan trọng trong bảo vệ môi trường như ngăn mặn, hạn chế xói mòn, điều hoà khí hậu, hạn chế bão lũ, triều cường và bảo vệ nước ngầm. Vì vậy, các khu RNM được ví như “lá phổi xanh” không thể thiếu để bảo đảm cho hệ sinh thái ven biển phát triển. Tuy nhiên, những năm gần đây, do nạn phá rừng ngày càng tăng và các khu công nghiệp (KCN), cơ sở chế biến hải sản ven sông xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường đã làm hệ sinh thái RNM ngày càng bị thu hẹp. Theo thống kê của Chi cục Biển và Hải đảo (Sở TN-MT), toàn tỉnh hiện chỉ còn 2.250ha RNM, giảm hơn một nửa so với 5 năm trước. Việc RNM ở BR-VT bị thu hẹp làm tăng diện tích đất hoang, tăng xâm nhập mặn, xói lở vùng bờ, gây ô nhiễm và suy thoái môi trường nước ven bờ. Anh Nguyễn Văn Vinh, một người làm đùng nuôi tôm ở khu vực sông Cửa Lấp (phường 12, TP. Vũng Tàu) cho biết: “Nhiều năm trở lại đây, trong số gần 50 đùng (ở tổ 77, khu phố 6, phường 12) chỉ có 10 đùng còn nuôi tôm cá, còn lại phải treo đùng đi làm thuê việc khác kiếm ăn vì cá tôm chết, cua ghẹ cũng không sống nổi do nguồn nước ô nhiễm”.

Ông Nguyễn Ngọc Kế (ấp Phước Thạnh, xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành) làm nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trên sông Thị Vải cho biết: “Trước đây, dọc hai bên sông Thị Vải được bao phủ bởi màu xanh của RNM, góp phần ngăn gió, che bão, chắn sóng cho bà con làm ăn, nuôi trồng thủy sản. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, ven bờ sông phát triển các KCN, nhiều hộ dân không có ý thức bảo vệ rừng đã chặt cây làm củi nên RNM đã không còn xanh tốt như trước kia, việc nuôi trồng và đánh bắt thủy sản cũng gặp nhiều khó khăn hơn”.

Theo ông Nguyễn Văn Thềm, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Tân Thành, RNM ở huyện Tân Thành trải dài theo 5 xã và 1 thị trấn của huyện dọc theo bờ sông Thị Vải từ xã Mỹ Xuân đến xã Tân Hòa với các loại cây như cây mắm, cây bần, cây đước… nhưng đến thời điểm này, RNM nhiều nơi trên địa bàn huyện đang giảm mạnh, bởi diện tích nhiều khu vực đã được giao cho các nhà đầu tư để xây dựng nhà máy, KCN. Một phần RNM khác bị người dân chặt phá để làm đùng hoặc khai thác lâm sản.

Nhanh chóng trồng rừng thay thế

Trước thực trạng diện tích RNM giảm mạnh, trong mục tiêu phát triển kinh tế tỉnh BR-VT đã đặt ra yêu cầu các địa phương phải xây dựng kế hoạch và triển khai trồng rừng mới để tăng tỷ lệ che phủ rừng; trong đó tập trung trồng RNM. Thực hiện nhiệm vụ này, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 15,2ha rừng được trồng mới trong đó có RNM. TP.Bà Rịa đã có chủ trương đầu tư xây dựng công viên RNM rộng 70ha, nằm phía Nam khu Trung tâm hành chính - chính trị tỉnh. Khu công viên này sẽ được đầu tư theo mô hình rừng RNM kết hợp với các hoạt động vui chơi, thể dục thể thao, đồng thời gìn giữ các loại cây đặc trưng của RNM như đước, sú, vẹt cộng với diện tích mặt nước được cải tạo thành hồ cảnh quan kết hợp với việc bảo tồn các loài thủy, hải sản. Phần lớn diện tích của khu vực công viên RNM chủ yếu bố trí cho mặt nước và cây xanh, hình thức giao thông theo hướng thân thiện với môi trường (đi bộ, xe đạp, ghe thuyền, ca nô). Đây cũng sẽ là vùng đệm quan trọng, là cầu nối giữa các trung tâm chuyên ngành như hành chính-chính trị, thương mại dịch vụ, y tế, tài chính và khu đô thị sinh thái phía Nam Quốc lộ 51.

Tương tự, theo quy hoạch đô thị đến năm 2020, TP. Vũng Tàu xác định Gò Găng là khu đô thị mang đặc trưng riêng, hình thành trên cơ sở khai thác chính những đặc điểm địa hình, mặt nước và cảnh quan thiên nhiên như sử dụng dòng sông nhỏ uốn lượn giữa đảo, hệ thống RNM bao quanh... Vì vậy, với diện tích phần đảo là 1.350ha, khu đô thị chỉ dành 639ha cho xây dựng, còn lại là diện tích mặt nước và RNM, đất dự trữ.

Tại Côn Đảo, bên cạnh việc trồng rừng thay thế, Vườn Quốc gia Côn Đảo còn đẩy mạnh việc tuyên truyền cho người dân và du khách hiểu được tầm quan trọng của RNM để bảo vệ môi trường và phát triển du lịch. Theo ông Trần Đình Huệ, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo, hệ sinh thái biển Vườn Quốc gia Côn Đảo có rừng RNM, các rạn san hô và cỏ biển. Trong đó, diện tích RNM chiếm khoảng 31ha với 46 loài thực vật phân bố xung quanh Hòn Bà, dọc bờ biển phía Tây Hòn Bảy Cạnh và dọc theo bờ biển phía Nam, phía Bắc của đảo Côn Sơn. Hiện nay, rất nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến Côn Đảo đều không bỏ qua tour tham quan RNM.

Nguồn: Báo Bà Rịa-Vũng Tàu


Bài đã đăng:
Văn bản mới

Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản

Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

 Xem thêm