ĐƯỜNG DÂY NÓNG: (0254) 3732.318 - (0254) 3732.320
Thông tin nội bộ ngành

Thực thi pháp luật bảo vệ động thực vật quý hiếm


(Chinhphu.vn) - Trong 2 ngày (27-28/4), tại TP. Đà Nẵng, các nhà khoa học tham dự hội thảo về “Thực thi pháp luật bảo vệ động thực vật nguy cấp quý hiếm ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp”.

Ảnh: VGP/Lưu Hương
Hội thảo do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Dự án quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID- GIG) tổ chức.

Theo thống kê của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đến nay, Việt Nam đã xây dựng 166 khu bảo tồn động, thực vật (cả trên bờ và dưới nước) để bảo vệ môi trường sống của các loài nguy cấp, quý hiếm.

Việt Nam cũng đã xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn đối với một số loài quý hiếm như hổ, rùa châu Á, voi…

Tuy nhiên, áp lực đối với sự sống còn của các loài động thực vật nguy cấp, quý hiếm ngày càng lớn do môi trường sống bị thu hẹp, ô nhiễm môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu và tình trạng khai thác, săn bắn, tiêu thụ động, thực vật trái phép.

Theo thống kê của Cục Kiểm lâm, trong năm 2015, lực lượng kiểm lâm toàn quốc phát hiện và xử lý 20.501 vụ vi phạm hành chính về quản lý, phát triển và bảo vệ rừng, trong đó khởi tố 265 vụ.

Hiện nay, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo tồn động, thực vật quý hiếm, nguy cấp còn nhiều hạn chế do lực lượng mỏng, trang thiết bị thực thi công vụ còn chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Chế tài xử lý vi phạm pháp luật còn nhẹ, chưa đồng bộ, ranh giới xử lý hành chính và hình sự chưa rõ ràng…

Để tiến tới xóa bỏ hoàn toàn nạn buôn bán trái phép các loài động thực vật quý hiếm, nguy cấp, tại hội thảo, đại diện Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Bộ TN&MT) cho rằng các cơ quan quản lý cần rà soát, thống nhất các quy định về bảo vệ động thực vật quý hiếm. Sửa đổi bổ sung khung pháp lý, chính sách về bảo vệ động, thực vật quý hiếm và tiến tới loại bỏ những bất cập, sự thiếu nhất quán giữa các văn bản pháp luật.

Bên cạnh đó, cần xây dựng sinh kế bền vững bằng cách hướng dẫn và khuyến khích cộng đồng sống ở các vùng đệm tham gia bảo vệ, bảo tồn động thực vật nguy cấp, quý hiếm.

Tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cam kết, phản ứng với việc không mua bán, tiêu thụ, sử dụng động thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm bất hợp pháp và kịp thời tố giác, thông báo các hành vi vi phạm tới cơ quan chức năng.

Tổ chức kiểm tra việc vận chuyển, tiêu thụ tại các cơ sở nhà hàng, nơi chuyên thực hiện việc chế biến, kinh doanh động vật hoang dã. Tăng cường công tác quản lý, lập hồ sơ theo dõi, quản lý chặt chẽ trại nuôi, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đối với động thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm…

Nguồn: BaoChinhphu.vn

Bài đã đăng:
Văn bản mới

Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản

Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

 Xem thêm