ĐƯỜNG DÂY NÓNG: (0254) 3732.318 - (0254) 3732.320
Thông tin hoạt động

Ứng dụng camera chuyên dụng trong công tác bảo vệ rừng, phóng cháy chữa cháy rừng


Nhằm hỗ trợ cán bộ Kiểm lâm, Chủ rừng theo dõi, giám sát 24/7 tại các địa điểm trọng yếu, then chốt, các vị trí nghi ngờ xảy ra trộm cắp, săn bắn, chặt phá, tẩu tán lâm sản…hoặc quan sát toàn thể diện tích rừng từ trên cao (thông qua Flycam), Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với các Hạt Kiểm lâm trực thuộc, chủ rừng, đơn vị tư vấn, đơn vị thi công nghiệm thu công trình Camera bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong tháng 10 năm 2020.

Một camera quan sát cố định được lắp đặt trên địa bàn huyện Xuyên Mộc

Hệ thống camera gồm 12 camera quan sát cố định tại các cửa ngõ ra vào rừng thuộc BQL Rừng phòng hộ, Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu thuộc địa bàn thị xã Phú Mỹ, huyện Xuyên Mộc, huyện Long Điền, huyện Đất Đỏ phục vụ công tác giám sát và theo dõi; Hệ thống máy chủ, màn hình quan sát vận hành lắp tại Chi cục Kiểm lâm, BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu và các Hạt Kiểm lâm nơi có gắn camera. Ngoài ra, còn được trang cấp 07 flycam phục vụ công tác quan sát, giám sát từ trên cao; 12 camera ngụy trang phục vụ công tác giám sát, theo dõi tại các vị trí không cố định trong thời gian ngắn.

Các thiết bị camera được lắp tại các điểm kết nối cố định sẽ được kết nối với Internet và truyền dữ liệu trực tiếp về hệ thống quản lý và lưu trữ tập trung. Thông qua máy tính, các thiết bị di động, màn hình quan sát…các lực lượng Kiểm lâm, Chủ rừng, các cơ quan chức năng liên quan có thể theo dõi, giám sát tại mọi thời điểm và kịp thời phát hiện sớm được các đối tượng xâm hại tài nguyên rừng và các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Với các dữ liệu video, hành ảnh được ghi lại giúp lực lượng chức năng điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Thông qua thiết bị flycam, camera nguỵ trang có thể ghi lại được những thông tin về đa dạng sinh học, theo dõi hiện trạng tài nguyên rừng, phát hiện sớm được các điểm phá rừng, cháy rừng nơi có địa hình phức tạp, khó tiếp cận. Qua đó, giúp cho lực lượng các cán bộ Kiểm lâm, Chủ rừng quản lý, bảo vệ rừng được tốt hơn và có phương án xử lý kịp thời các vụ cháy rừng, phá rừng ngay ban đầu.

Các thiết bị camera có khả năng chịu đựng được các yếu tố thời tiết như: ẩm ướt, mưa, nắng nóng, chống bụi xâm nhập, ánh sáng chói, điều kiện ánh sáng yếu hoặc về đêm và có thể hoạt động liên tục. Camera trang bị tính năng thông minh như: phát hiện chuyển động, phát hiện đột nhập, xâm nhập vùng cấm, phát hiện mất vật thể, tự động thay đổi chế độ quay ngày/đêm, gửi cảnh báo khi phát hiện thay đổi…Hệ thống lưu trữ dữ liệu lưu trữ liên tục 30 ngày và có hỗ trợ tính năng phân quyền người dùng, hỗ trợ xem lại hình ảnh trên website, ứng dựng trên thiết bị di động thông qua kết nối Internet.

Các camera lắp đặt xa nguồn điện (hạ tầng điện lưới không có) hoặc camera ngụy trang sử dụng nguồn điện năng lượng mặt trời (hoặc sử dụng pin) đáp ứng cho camera hoạt động liên tục 8 tiếng/ngày (trong điều kiện thời tiết xấu hoặc không có nắng). Flycam sử dụng chất liệu tốt, chống va đập, tốc độ bay nhanh, tầm bay cao, thời gian hoạt động 20 phút và ghi nhận chính xác tọa độ; camera hỗ trợ góc quay rộng, hình ảnh, video camera ghi lại sắc nét, độ phân giải cao, chống rung.

Việc đưa vào thí điểm lắp đặt hệ thống camera cảnh báo cháy rừng đã góp phần nâng cao khả năng cảnh báo, dự báo nguy cơ cháy rừng, giúp phát hiện sớm và thông báo kịp thời điểm cháy rừng, góp phần bảo vệ an toàn các khu rừng nguy cơ cháy cao. Đồng thời giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác PCCCR được kịp thời, hiệu quả.

VTH


Bài đã đăng:
Văn bản mới

Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản

Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

 Xem thêm