ĐƯỜNG DÂY NÓNG: (0254) 3732.318 - (0254) 3732.320
Thông tin hoạt động

Tăng cường quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trong điều kiện phòng chống dịch bệnh Covid-19


Nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi xâm hại rừng, hạn chế thấp nhất số vụ vi phạm pháp luật trong quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng rừng, vận chuyển, kinh doanh, cất giữ, chế biến lâm sản, nhất là thời gian trên địa bàn tỉnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thời điểm các đối tượng lợi dụng xâm hại rừng, đất lâm nghiệp, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Kế hoạch số 82/KH-SNN ngày 23/08/2021 về triển khai thực hiện giải pháp duy trì ổn định tình hình quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trong điều kiện phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu.

Tăng cường quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trong điều kiện phòng chống dịch bệnh Covid-19

Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị cơ quan kiểm lâm, các Ban quản lý rừng tiếp tục xây dựng, thực hiện kế hoạch tăng cường kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng và triển khai Kế hoạch phòng chống hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp năm 2021. Trong đó, lưu ý tìm hiểu, lựa chọn và vận động trưởng thôn ấp, người dân địa phương tham gia công tác bảo vệ rừng tại địa phương như tham gia mạng lưới tin báo về vi phạm xảy ra trong lâm phần; đảm bảo tin báo kịp thời và chính xác.

Nâng cao vai trò của công chức, viên chức thực hiện quản lý, bảo vệ rừng tại địa bàn như kiểm lâm địa bàn, viên chức quản lý rừng khu vực luôn bám sát địa bàn, chủ động tham mưu hoặc đề nghị Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn thành lập tổ công tác phản ứng nhanh tại địa phương là kiểm lâm địa bàn, viên chức quản lý rừng khu vực của chủ rừng, dân quân và công an địa phương; xử lý kịp thời tin báo, phát hiện, ngăn chặn ngay khi vi phạm xảy ra trong lâm phần; chủ động báo cáo tình hình quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn cho Chủ tịch UBND cấp xã chỉ đạo xử lý kịp thời.

Do công tác phòng, chống dịch địa phương; lực lượng đơn vị phối hợp tập trung cho nhiệm vụ chống dịch nên không thể tham gia kiểm tra rừng thường xuyên. Vì vậy lực lượng kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng phải chủ động, thường xuyên cùng phối hợp tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng. Trong thực hiện truy quét, lực lượng phối hợp chia các tổ khoảng 3 người/tổ, lập thành nhiều tổ chia nhiều khu vực kiểm tra, thống nhất về thời gian thực hiện và hỗ trợ khi có sự việc xảy ra. Sử dụng thiết bị flycame, camera di động trong công tác kiểm tra bảo vệ rừng.

Cơ quan kiểm lâm chủ động trong công tác lập hồ sơ, xử lý, đề nghị xử lý vi phạm hành chính trong lâm phần. Xây dựng kế hoạch xác minh, xử lý đối với từng vụ vi phạm phát hiện. Tập trung lực lượng, hỗ trợ, phối hợp kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng tại địa bàn điểm nóng xâm hại rừng, đất rừng

Đối với địa bàn huyện Xuyên Mộc: Diện tích rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu- Phước Bửu, đặc biệt khu vực rừng địa bàn xã Bình Châu, Bưng Riềng, các khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, vùng rừng giáp ranh với huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận; khu vực rừng phòng hộ xã Phước Thuận nhằm ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để sử dụng sai mục đích; khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép; săn bắt động vật rừng; đào bới cây rừng làm cây cảnh, cây bóng mát; ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản khu rừng cây gỗ lớn tại xã Hòa Hội.

Kiểm tra các cơ sở chế biến gỗ, cơ sở đóng tàu thuyền, các điểm mua bán, cất giữ, sử dụng, chế biến, kinh doanh lâm sản và động vật hoang dã ở xã Bình Châu, Hòa Hội, Xuyên Mộc, Phước Thuận, Phước Tân, Bông Trang, Bưng Riềng...

Đối với địa bàn thị xã Phú Mỹ: Kiểm tra, truy quét khu vực rừng phòng hộ Núi Dinh- Thị Vải; kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, đào bới, san lấp gây thiệt hại rừng, khai thác rừng, khai thác khoáng sản, xây dựng công trình trái phép trong ranh giới rừng phòng hộ. Phát hiện, ngăn chặn, xử lý các cơ sở tôn giáo hoạt động trong lâm phần xây dựng phát sinh các công trình trái phép.

Kiểm tra rừng ngập mặn, ngăn chặn hành vi đưa phương tiện cơ giới trái phép vào rừng để đào bới đất lâm nghiệp để nuôi trồng thủy sản, bí nước gây thiệt hại rừng. Kiểm tra các cơ sở kinh doanh, chế biến, sử dụng lâm sản khu vực Tóc Tiên, Châu Pha, khu vực giáp ranh thành phố Bà Rịa; kiểm tra các điểm kinh doanh ăn uống sử dụng động vật rừng trái phép trên địa bàn.

Ngoài ra, cần tuyên truyền pháp luật, hướng dẫn thủ tục hành chính, trợ giúp pháp lý cho các cơ sở chế biến, thương mại lâm sản, gây nuôi động vật rừng bằng hình thức trực tuyến (Zalo); lập cam kết đối với các hộ, cơ sở kinh doanh gần rừng không thu mua, chế biến, tàng trữ lâm sản không có nguồn gốc rõ ràng. Đề nghị cơ quan chức năng có giải pháp để các doanh nghiệp, cá nhân chế biến gỗ, sản phẩm gỗ tiếp cận nguồn gỗ hợp pháp từ tổ chức thương mại gỗ, vận chuyển về cơ sở, đảm bảo nguyên liệu phục vụ sản xuất trong thời gian dịch bệnh. Bên cạnh đó phải giám sát, kiểm tra nguồn gốc lâm sản (gỗ) tại các cơ sở gần rừng khi sử dụng loại lâm sản cùng lòai thường hay bị khai thác trái phép trong lâm phần....

VTH


Bài đã đăng:
Văn bản mới

Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản

Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

 Xem thêm