ĐƯỜNG DÂY NÓNG: (0254) 3732.318 - (0254) 3732.320
Thông tin hoạt động

Phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" dịp Xuân Nhâm Dần


Ngày 30/12/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Chỉ thị số 9095/CT-BNN-TCLN về tổ chức phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Nhâm Dần và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng năm 2022.

Bà Nguyễn Thị Yến - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại

Lễ phát động Tết trồng rừng năm 2021 tại Xuyên Mộc

Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị tổ chức phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” cần thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức, bảo đảm các quy định về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng; Phấn đấu chỉ tiêu trồng cây xanh cao hơn ít nhất 20% so với kết quả thực hiện năm 2021

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên các cấp, các ngành và nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng; nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, thực hiện các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, góp phần giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Quan tâm trồng cây xanh trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, trồng mới rừng sản xuất, trồng cây xanh phân tán ở cả khu vực đô thị và nông thôn, tạo môi trường cảnh quan, góp phần xây dựng nông thôn mới xanh, sạch, đẹp. Sau khi thực hiện Tết trồng cây, các địa phương tổ chức kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân điển hình làm tốt.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp năm 2022 và cả giai đoạn 2021- 2025 theo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 5 tháng 8 năm 2021 và Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Quản lý chặt chẽ diện tích quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Thực hiện phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017 và vai trò của người đứng đầu chính quyền các cấp; làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, có tiêu cực, để xảy ra vi phạm.

Đáng chú ý, Bộ NN&PTNT yêu cầu kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích rừng bị phá, bị lấn chiếm sử dụng sai mục đích tại các Ban quản lý rừng, công ty, doanh nghiệp, UBND cấp xã quản lý; kiên quyết xử lý vi phạm, thu hồi và buộc khắc phục hậu quả, trồng lại rừng theo quy định của pháp luật. Đẩy nhanh quá trình đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các Ban quản lý rừng, công ty và các chủ rừng theo quy định, đóng mốc ranh giới để tránh xảy ra lấn chiếm, tranh chấp. Tập trung xử lý dứt điểm các diện tích rừng chồng lấn giữa các Ban quản lý rừng, công ty, các chủ rừng khác và người dân.

Đặc biệt là việc kiểm tra, truy quét các “đầu nậu” mua bán, vận chuyển, tàng trữ gỗ, động vật rừng (đặc biệt là các loài động vật nguy cấp, quý hiếm), các loại lâm sản trái pháp luật và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Thực hiện rà soát phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo chủ động lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”; chỉ đạo lực lượng ứng trực 24/24 giờ, bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng dùng lửa trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn.

Chỉ đạo các lực lượng liên ngành (Kiểm lâm, Công an, Quân đội) tăng cường phối hợp chặt chẽ, thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời, có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực, sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và cháy rừng; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm...

VTH


Bài đã đăng:
Văn bản mới

Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản

Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

 Xem thêm