I – Hiệp ước Quốc tế
Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp (Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora – CITES) là bản hiệp ước giữa các quốc gia thành viên về việc kiểm soát việc buôn bán, trao đổi các loài động thực vật hoang dã để tránh tình trạng khai thác quá mức dẫn đến tình trạng tuyệt chủng. CITES bao gồm khoảng 5.000 loài động vật và 25.000 loài thực vật, chia làm 3 phụ lục:
- Phụ lục I bao gồm những loài bị nguy cấp bị đe doạ tuyệt chủng. Việc buôn bán, trao đổi những loài trong phụ lục này cần phải có cả Giấy phép Xuất khẩu và Giấy phép Nhập khẩu cấp bởi Cơ quan quản lý CITES của nước xuất khẩu và nước nhập khẩu.
- Phụ lục II bao gồm: Tất cả những loài mặc dù hiện chưa bị nguy cấp nhưng có thể dẫn đến tuyệt chủng nếu không khai thác hợp lý. Việc buôn bán những loài này giữa các quốc gia cần có Giấy phép Xuất khẩu do Cơ quan quản lý CITES nước xuất khẩu cấp.
- Phụ lục III bao gồm tất cả các loài mà mỗi nước thành viên quy định theo luật pháp của họ nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế việc khai thác và cần thiết phải có sự hợp tác với các nước thành viên khác để kiểm soát việc buôn bán. Việc buôn bán những loài này cần có Giấy phép Xuất khẩu do Cơ quan quản lý CITES nước xuất khẩu cấp.
Tham khảo nội dung chi tiết tại đây
II – Pháp luật Việt Nam
A. Quy định quản lý
1. Luật Bảo vệ và Phát triển Rừng (2004)
Luật bắt đầu có hiệu lực từ 01/04/2005. Theo đó, những hành vi săn, bắn, bắt, bẫy, nuôi nhốt, giết mổ động vật rừng trái phép bị nghiêm cấm. Đồng thời Luật cũng quy định việc khai thác, động vật rừng phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tuân theo các quy định của pháp luật về bảo tồn động vật hoang dã. Việc Kinh doanh, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh thực vật rừng, động vật rừng phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
Tham khảo nội dung chi tiết tại đây
2. Luật Đa dạng Sinh học (2008)
Luật đa dạng sinh học của Quốc hội khóa XII, kỳ thứ tư số 20/2008/QH12 qua ngày 13 tháng 11 năm 2008. Luật dành riêng một Chương IV với 18 điều quy định về bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật. Theo đó, các loài động vật hoang dã sẽ được xem xét đưa vào Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ nhằm bảo vệ những vật nuôi đặc hữu hoặc có giá trị đang bị đe dọa tuyệt chủng, quy định loài hoang dã bị cấm khai thác và loài hoang dã được khai thác có điều kiện trong tự nhiên. Luật cũng quy định về khu bảo tồn, phân cấp khu bảo tồn và những hành vi bị cấm trong khu bảo tồn. Luật bắt đầu có hiệu lực từ 01/7/2009.
Tham khảo nội dung chi tiết tại đây
3. Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/03/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm
Nghị định đã phân chia động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thành 02 nhóm tùy theo mức độ nguy cấp và sự bảo vệ của pháp luật đối với các loài đó. Trong đó:
- Nhóm IB: Nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại
- Nhóm IIB: Hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại
Tham khảo nội dung chi tiết tại đây
4. Nghị định 82/2006/NĐ-CP ngày 10/08/2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm
Nghị định quy định trình tự, thủ tục cụ thể hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật (kể cả loài lai) hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, bao gồm:
- Mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã quy định tại các Phụ lục I, II và III của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
- Mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tham khảo nội dung chi tiết tại đây
5. Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ
Nghị định quy định hệ thống các tiêu chí để đánh giá và xác định loài ĐVHD đưa vào Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Theo đó, loài được đưa vào Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ nếu (i) Số lượng cá thể còn ít hoặc đang bị đe dọa tuyệt chủng và (ii) Là loài đặc hữu có một trong các giá trị đặc biệt về khoa học, y tế, kinh tế; sinh thái, cảnh quan, môi trường và văn hóa – lịch sử.
Nghị định cũng quy định nguyên tắc bảo tồn các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và cơ chế chặt chẽ để quản lý việc khai thác; trao đổi, mua bán, tặng cho, thuê, lưu giữ, vận chuyển mẫu vật; nuôi trồng và cứu hộ loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ.
Nghị định này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2014.
Tham khảo nội dung chi tiết tại đây
6. Danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển và Danh mục những đối tượng bị cấm khai thác theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển được ban hành kèm theo Quyết định 82/2008/QĐ-BNN ngày 17/07/2008 về việc công bố Danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển. Theo đó, Danh mục áp dụng các tiêu chuẩn của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế IUCN (Phiên bản 2.2, 1994) và Sách đỏ Việt Nam 2007 để đánh giá mức độ quý hiếm của loài thủy sinh theo các bậc: Tuyệt chủng (EX); Tuyệt chủng ngoài thiên nhiên (EW); Rất nguy cấp (CR); Nguy cấp (EN); Sẽ nguy cấp (VU).
Tham khảo nội dung chi tiết tại đây.
Danh mục những đối tượng bị cấm khai thác (thủy sản) được ban hành kèm theo Thông tư 62/2008/TT-BNN ngày 20/05/2008 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 02/2006/TT- BTS ngày 20 tháng 03 năm 2006 của bộ Thủy sản hướng dẫn thị hành Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04/05/2005 của Chính phủ về Điều kiện sản xuất kinh doanh một số ngành nghề thủy sản.
Tham khảo nội dung chi tiết tại đây.
7. Quyết định 95/2008/QĐ-BNN ngày 29/09/2008 về việc ban hành Quy chế quản lý gấu nuôi
Quyết định này là sự kế thừa Quyết định 02/2005/QĐ-BNN ngày 05/01/2005 về việc ban hành Quy định về quản lý gấu nuôi nhốt trong đó thể hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong việc quản lý số lượng gấu đang nuôi nhốt và ngặn chặn gấu mới từ tự nhiên bị bắt vào các trang trại.
Tại Quyết định này, mọi hành vi săn bắn, bẫy bắt, mua, bán, giết mổ, vận chuyển, quảng cáo, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất khẩu gấu và sản phẩm, dẫn xuất từ gấu trái với quy định của pháp luật đều bị nghiêm cấm. Ngoài ra, Quyết định cũng đặt ra quy định về điều kiện chuồng, trại, vệ sinh, thú ý và các điều kiện đăng ký trại nuôi gấu.
Tham khảo nội dung chi tiết tại đây
8.Thông tư 47/2012/TT-BNNPTNT ngày 25/09/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về quản lý khai thác từ tự nhiên và nuôi động vật rừng thông thường
Ngày 25/09/2012, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số 47/2012/TT-BNNPTNT về quản lý khai thác từ tự nhiên và nuôi động vật rừng thông thường. Thông tư này liệt kê 160 loài động vật rừng thông thường được phép khai thác và nhân nuôi vì mục đích thương mại, theo các quy định đưa ra trong thông tư.
Tham khảo nội dung chi tiết tại đây
9. Chỉ đạo số 16315/QLD-MP của Cục quản lý dược về tăng cường bảo vệ động vật thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm
Ngày 28/08/2015, Bộ Y Tế đã ban hành Chỉ đạo số 16315/QLD-MP của Cục quản lý dược về tăng cường bảo vệ động vật thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Theo Chỉ đạo này, cá nhân, tổ chức công bố sản phẩm mỹ phẩm trong công thức sản phẩm có thành phần liên quan đến động vật, thực vật thuộc Danh mục động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm cần được bảo vệ phải cam kết các thành phần này không phải là đối tượng bị cấm khai thác thương mại theo quy định của pháp luật.
Tham khảo nội dung chi tiết tại đây
B. Quy định xử lý vi phạm
9. Bộ Luật Hình Sự (1999, sửa đổi bổ sung năm 2009)
Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 đã có quy định về Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm tại Điều 190. Khi Bộ luật Hình sự được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Điều 190 được sửa đổi thành Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Theo đó, các hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm, bộ phận cơ thể của của loại động vật đó có thể bị phạt lên tới 7 năm tù giam.
Tham khảo nội dung chi tiết tại đây
10. Thông tư Liên tịch 19/2007/TTLT/BNN&PTNT-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 08/03/2007 hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản
Thông tư liên tịch này hướng dẫn thực hiện Điều 190 Bộ luật Hình sự 1999 về Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý, hiếm. Theo đó, những loài động vật quý hiếm là những loài thuộc nhóm IB của Nghị định 32/2006/NĐ-CP. Đồng thời thông tư cũng hướng dẫn cụ thể căn cứ để đánh giá hành vi vi phạm là gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng để áp dụng tình tiết định khung tăng nặng. Cụ thể, Thông tư ban hành Phụ lục về việc xác định số lượng cá thể động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB để làm căn cứ xác định. Ví dụ, hành vi vi phạm liên quan đến gấu, 1 cá thể là gây hậu quả nghiêm trọng, 2 đến 3 cá thể là hậu quả rất nghiêm trọng, từ 4 cá thể trở lên là đặc biệt nghiêm trọng; trong khi chỉ cần vi phạm đối với 1 cá thể hổ là đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Tham khảo nội dung chi tiết tại đây
11. Nghị định 103/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 09 năm 2013 Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản
Nghị định 103/2013/NĐ-CP quy định các hành vi khai thác, mua bán, thu gom, nuôi, lưu giữ, sơ chế, chế biến các loài thủy sinh nguy cấp quý hiếm hoặc khai thác, thu gom, sơ chế, bảo quản, vận chuyển các loài thủy sản trong danh mục cấm khai thác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tối đa lên đến 100 triệu đồng tùy thuộc vào khối lượng của loài thủy sinh hoặc thủy sản.
Toàn bộ số thủy sinh quý hiếm/ thủy sản sẽ bị tịch thu và thả lại môi trường sống của chúng (nếu còn sống) hoặc chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý (nếu đã chết).
Tham khảo nội dung chi tiết tại đây
12. Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản
Nghị định 157/2013/NĐ-CP là văn bản quy định mức độ xử phạt hành chính đối với các vi phạm trong hoạt động quản lý, phát triển, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản (trong đó có ĐVHD).
Theo đó, căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ mà các hành vi săn, bắn, bẫy, bắt; nuôi, nhốt, lấy dẫn xuất từ động vật rừng; giết động vật rừng; vận chuyển lâm sản trái pháp luật hoặc mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng lâm sản không đúng nội dung hồ sơ … sẽ bị xử phạt đến 500 triệu đồng đối với cá nhân và 1 tỉ đồng đối với tổ chức.
Tham khảo nội dung chi tiết tại đây
13. Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Nghị định 179/2013/NĐ-CP là văn bản quy định mức độ xử phạt hành chính đối với các vi phạm trong lĩnh vực môi trường. Trong đó, Điều 42 có quy định về mức độ xử phạt đối với hành vi lưu giữ trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật hoang dã thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ với mức xử phạt tối đa lên đến 500 triệu đồng đối với cá nhận và 1 tỉ đồng đối với tổ chức.
Tham khảo nội dung chi tiết tại đây
C. Quy định xử lý tang vật ĐVHD sau khi tịch thu
14. Thông tư 90/2008/TT-BNN ngày 28/08/2008 hướng dẫn xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu
Những tang vật là động vật rừng thu được trong các vụ vi phạm sẽ được xử lý lần lượt theo trình tự quy định tại thông tư này căn cứ mức độ nguy cấp, quý hiếm của từng nhóm (IB, IIB, Phụ lục I CITES, Phụ luc II CITES hay động vật rừng thông thường).
Việc xử lý cũng căn cứ vào loại tang vật là động vật rừng còn sống, đã chết hay bộ phận, sản phẩm của chúng, là loài trong nước hay nhập khẩu.
Ví dụ, đối với động vật rừng nhóm IB trong nước và còn sống được xử lý theo thứ tự sau: (i) Thả lại nơi cư trú tự nhiên; (ii) chuyển giao cho Trung tâm cứu hộ động vật nếu bị thương, ốm, yếu cần cứu hộ; (iii) Chuyển giao cho các cơ sở nghiên cứu khoa học (bao gồm cả cơ sở nghiên cứu nhân giống), giáo dục môi trường; (iv) Bán cho các vườn thú, đơn vị biểu diễn nghệ thuật, cơ sở gây nuôi động vật hợp pháp theo quy định của pháp luật; (v) Tiêu hủy các cá thể động vật rừng mang bệnh hoặc trong trường hợp không xử lý được bằng các biện pháp trên. Trường hợp đã chết hoặc bộ phận, sản phẩm của loài nhóm IB thì (i) Chuyển giao cho cơ quan khoa học, cơ sở đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành, cơ quan quản lý chuyên ngành, trung tâm cứu hộ loài đó để làm tiêu bản hoặc chuyển giao cơ sở y tế để nghiên cứu, bào chế thuốc; (ii) Tiêu hủy trong trường hợp tang vật mang bệnh hoặc không xử lý được bằng biện pháp trên.
Tham khảo nội dung chi tiết tại đây
III- Tài liệu tham khảo khác
Hướng dẫn của IUCN về việc Xử lý Động vật bị tịch thu
Đây là hướng dẫn của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) về việc xử lý đối với động vật hoang dã còn sống sau khi bị tịch thu dưới góc độ phục vụ cho mục đích bảo tồn. Theo đó, có một số giải pháp sau:
1) Chuyển đến các Trung tâm cứu hộ
2) Thả lại tự nhiên
3) Tiêu hủy nhân đạo
Hướng dẫn cũng nêu những nguyên tắc xử lý, phân tích cây ra quyết định để đánh giá việc áp dụng giải pháp nào cho phù hợp với những quy định hiện hành, phong tục tập quán và các điều kiện kinh tế nhưng vẫn đảm bảo việc bảo tồn loài.
Tham khảo nội dung chi tiết tại đây