ĐƯỜNG DÂY NÓNG: (0254) 3732.318 - (0254) 3732.320
Thông tin hoạt động

Tăng cường công tác rà soát, kiểm tra các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong năm 2018


Đến thời điểm hiện nay trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có tổng cộng 127 trại/cơ sở gây nuôi động vật hoang dã, với khoảng 7.708 cá thể, trong đó: động vật rừng nguy cấp, quý hiếm ưu tiên bảo vệ (theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP), có 04 cơ sở gây nuôi, với số lượng 06 cá thể Gấu ngựa (các cơ sở này đã gắn chíp theo dõi); động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP), có 38 cơ sở gây nuôi, số lượng 5.476 cá thể, gồm các loài: Cá Sấu nước ngọt, Trăn đất, Rắn ráo trâu, Rắn hổ mang thường, Kỳ đà vân, Nhồng,...; động vật rừng thông thường (theo Thông tư số 47/2012/TT-BNNPTNT), có 85 cơ sở gây nuôi, số lượng 2.226 cá thể, gồm các loài: Nai, Nhím, Chim Trĩ đỏ, Dúi, Heo rừng (lai), ...

Cơ sở nuôi Dúi của hộ ông Đồng Văn Huynh tại ấp Phước Tân, xã Tân Hưng, thành phố Bà Rịa.

Nhằm tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ các Trại nuôi sinh sản/nuôi sinh trưởng các loài động vật hoang dã nói chung và động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn tỉnh, tránh tình trạng các đối tượng lợi dụng để mua bán, vận chuyển, kinh doanh các loài động vật hoang dã trái phép; kịp thời đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, nuôi, giết mổ, kinh doanh, cất giữ, xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu các loài động vật hoang dã và sản phẩm, dẫn xuất của chúng trái quy định của CITES và các quy định pháp luật khác liên quan. Đồng thời thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn trại/cơ sở gây nuôi nâng cao nhận thức, chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã; xử lý nghiêm, đúng pháp luật các đối tượng cố tình vi phạm pháp luật về quản lý động vật hoang dã.

Chi cục Kiểm lâm đã xây dựng Kế hoạch và tiến hành rà soát, kiểm tra một số trại/cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong việc thực hiện, chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động nuôi sinh trưởng/nuôi sinh sản như: đăng ký trại nuôi sinh sản/nuôi sinh trưởng đối với cơ sở gây nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; đăng ký trại nuôi động vật rừng thông thường vì mục đích thương mại đối với tổ chức; Thông báo nuôi động vật rừng thông thường đối với cá nhân, hộ gia đình; mở sổ theo dõi việc gây nuôi sinh sản/sinh trưởng của động vật hoang dã; hồ sơ chứng minh nguồn gốc lâm sản hợp pháp; số lượng cá thể động vật hoang dã hiện đang nuôi, nhốt tại cơ sở; kiểm tra các điều kiện chuồng trại nuôi, nhốt có đảm bảo an toàn cho người và vệ sinh môi trường xung quanh và khu vực.

Qua kiểm tra, Chi cục Kiểm lâm đã ghi nhận, đánh giá một số trại/cơ sở gây nuôi trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đầy đủ, đúng các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số trại/cơ sở gây nuôi thực hiện tốt các quy định của pháp luật về hoạt động quản lý gây nuôi như: có mở sổ theo dõi tình sinh sản, sinh trưởng, nhập, xuất động vật hoang dã nhưng chưa thường xuyên thực hiện việc ghi chép đầy đủ các thông tin về biến động của các cá thể động vật nuôi, nhốt tại cơ sở, do đó gây khó khăn cho công tác quản lý, xác nhận của cơ quan Kiểm lâm sở tại. Đối với các trường hợp này Chi cục Kiểm lâm đã kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhỡ, hướng dẫn và cho các cơ sở làm cam kết thực hiện đúng các quy định của pháp luật về hoạt động gây nuôi sinh trưởng/nuôi sinh sản động vật hoang dã trong thời gian tới.

Thép

Bài đã đăng:
Văn bản mới

Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản

Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

 Xem thêm