ĐƯỜNG DÂY NÓNG: (0254) 3732.318 - (0254) 3732.320
Thông tin hoạt động

Lâm nghiệp vươn lên đứng đầu xuất khẩu trong nông nghiệp


(Chinhphu.vn) - Theo số liệu thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, ước tính giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản tháng 5/2018 ước đạt 663 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu các sản phẩm lâm sản chính trong 5 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,43 tỷ USD - tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu lâm sản chiếm tới 22% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Trước đây thủy sản luôn là ngành đứng vị trí đầu tiên mang lại giá trị xuất khẩu cao trong mảng nông lâm thủy sản. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản cả nước trong 4 tháng đầu năm 2018 chỉ đạt 2,4 tỷ USD.

Bộ NN&PTNT cũng xác nhận, đến thời điểm này, giá trị xuất khẩu lâm sản đã chiếm tới 22% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp. Do giá trị kim ngạch xuất khẩu cao, giá trị nhập siêu thấp nên giá trị xuất siêu mang về của mặt hàng lâm sản cũng đứng đầu các mặt hàng nông sản xuất khẩu.

“Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang là 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2018”, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp chia sẻ.

Để thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm lâm nghiệp, hiện nay Bộ NN&PTNT đang đẩy mạnh chương trình trồng rừng và bảo vệ rừng, ngăn chặn các vụ vi phạm. Trong tháng 5/2018, cơ quan kiểm lâm cùng với chính quyền địa phương đã phát hiện hơn 1.200 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên so với tháng 5/2017, số vụ đã giảm tới 31% do hiện nay Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 13-CT/TW quy định trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra mất rừng.

Vì vậy, các địa phương đang tổ chức cắm chốt bảo vệ rừng tại các điểm nóng về phá rừng, chế biến, mua bán vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Trong tháng 5, tình trạng phá rừng chủ yếu xảy ra tại tỉnh Điện Biên, tỉnh Lai Châu và Tây nguyên

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), doanh nghiệp ngành gỗ đã chủ động “đi tắt đón đầu”, nắm bắt cơ hội từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

“Trước đây, doanh nghiệp Việt Nam chỉ thực hiện những FTA phạm vi hẹp. Hiệp định CPTPP có phạm vi rộng hơn với rất nhiều điểm mới. Bởi vậy, ngoài hiểu được những nội dung cơ bản của Hiệp định CPTPP, các doanh nghiệp còn phải tìm hiểu cả những chính sách thương mại quốc tế đang thay đổi từng ngày từng giờ”, ông Quyền phân tích.

Tuy nhiên, ông Quyền cũng cho biết, hiện nay, vấn đề quan ngại rất lớn đối với các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp ngành gỗ nói riêng là trình độ ngoại ngữ. Tất cả các văn bản liên quan tới các FTA chủ yếu bằng tiếng Anh, ít dịch ra tiếng Việt. Cụ thể, hiện nay Hiệp định CPTPP vẫn đang ở dạng tiếng Anh.

Ông Quyền đề xuất: “Cơ quan quản lý nhà nước phải đồng hành với doanh nghiệp, trước mắt là nhanh chóng biên tập những tài liệu về Hiệp định CPTPP bằng tiếng Việt ngắn gọn, dưới dạng hỏi đáp dễ hiểu để hỗ trợ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần có văn bản hướng dẫn cụ thể của pháp luật Việt Nam về thực thi Hiệp định CPTPP”.

Nguồn: Chinhphu.vn


Bài đã đăng:
Văn bản mới

Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản

Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

 Xem thêm