ĐƯỜNG DÂY NÓNG: (0254) 3732.318 - (0254) 3732.320
Thông tin nội bộ ngành

Xác định rõ trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng


(Nguồn: HNMO)- Thời gian vừa qua, tình trạng vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ, quản lý và phát triển rừng có xu hướng giảm, nhưng số vụ việc vi phạm nghiêm trọng ngày càng nhiều. Báo Hà nội mới Online đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Trị - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông và Phát triển nông thôn) xung quanh những nội dung dư luận xã hội đang quan tâm.


Ông Nguyễn Quốc Trị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp

Phóng viên: Xin Phó Tổng cục trưởng đánh giá thực trạng quản lý, bảo vệ rừng nói chung hiện nay?

Ông Nguyễn Quốc Trị: Hiện nay, công tác quản lý, bảo vệ rừng đã được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo sâu sát. Nhiều giải pháp đã được triển khai từ Trung ương đến địa phương, tạo nên những tác động tích cực đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng trong cả nước. Nhiều tỉnh, thành phố đã triển khai có hiệu quả các quy định, cơ chế, chính sách trong quản lý, bảo vệ rừng. Chính vì vậy, các mục tiêu về xã hội hóa công tác bảo vệ rừng, quản lý rừng bền vững đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Diện tích rừng toàn quốc liên tục tăng trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế, như: Tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, chống người thi hành công vụ vẫn diễn ra ở một số nơi; có nơi, có lúc tạo nên những “điểm nóng”; Các hành vi vi phạm pháp luật của nhà nước trong công tác quản lý bảo vệ rừng chưa được phát hiện và xử lý nghiêm minh, dứt điểm.

Phóng viên: Diện tích rừng cả nước khoảng 14 triệu héc-ta nhưng trên thực tế không có sự đồng đều trong quản lý, bảo vệ rừng. Nhiều vùng rừng bị suy giảm, tàn phá nghiêm trọng (theo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Năm 2016 diện tích rừng Tây Nguyên giảm 180.000 ha so với năm 2010; trữ lượng giảm 57 triệu m3). Phải chăng có nhiều địa bàn, các cơ quan quản lý chưa ý thức được hết trách nhiệm về công tác quản lý, bảo vệ rừng?

Ông Nguyễn Quốc Trị: Tính đến 31/12/2015, cả nước có 14.061.857 ha rừng, độ che phủ rừng đạt 40,84%. So với năm 2014, tổng diện tích rừng cả nước tăng 265.351 ha; độ che phủ rừng tăng 0,41%. Mặc dù sự biến động diện tích rừng giữa các vùng sinh thái có khác nhau, song về tổng thể, qua kết quả theo dõi diễn biến rừng cho thấy, năm 2015, đã cơ bản chặn được tình trạng suy giảm về diện tích rừng tự nhiên (như đã xảy ra năm 2013, 2014 so với năm 2012). Sự biến động tăng, giảm chủ yếu tập trung ở rừng trồng do sự tác động trong kinh doanh rừng, trong đó khai thác gỗ rừng trồng theo chu kỳ kinh doanh rừng nhưng chưa trồng lại rừng; bên cạnh đó, cũng còn có những nguyên nhân khác, như: chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, cháy rừng, phá rừng...

Song cũng cần nhìn nhận một cách khách quan là tài nguyên rừng đang đứng trước nhiều thách thức trong tình hình hiện nay, kể cả tác động từ những yếu tố, điều kiện khách quan như biến đổi khí hậu, sức ép từ phát triển kinh tế - xã hội, cũng như các yếu tố chủ quan từ tác động của con người, trong đó phải kể đến là trách nhiệm của chủ rừng, chính quyền các cấp, các lực lượng làm công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Phủ xanh đất trống, đồi núi trọc

Phóng viên: Thống kê gần đây cho thấy, tình trạng vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và phát triển rừng, quản lý lâm sản có xu hướng giảm, nhưng số vụ việc vi phạm nghiêm trọng lại ngày càng nhiều. Xin Phó Tổng cục trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp hạn chế tình trạng đó và trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng?

Ông Nguyễn Quốc Trị: Theo báo cáo của các địa phương, số vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và phát triển rừng, quản lý lâm sản trong những năm qua đều giảm. Đó là kết quả có được từ những cố gắng của nhiều cấp, ngành và toàn xã hội trong những năm qua. Kết quả này cần được ghi nhận một cách nghiêm túc và tiếp tục phát huy.

Bên cạnh đó, những năm qua, các ngành chức năng, các phương tiện thông tin đại chúng và quần chúng nhân dân đã phát hiện, tố giác những vụ việc vi phạm có tính chất nghiêm trọng trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Mỗi vụ việc, ở mỗi địa phương đều có tính chất khác nhau, nhưng qua theo dõi cho thấy, các vụ việc có tính chất nổi cộm trong thời gian qua phần lớn liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc thực hiện các quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp, hoặc xảy ra ở các vùng rừng giáp ranh, nơi còn nhiều rừng tự nhiên. Vấn đề rút ra sau các vụ việc cho thấy, việc triển khai thực hiện các quy định, các chính sách, pháp luật bảo vệ và phát triển rừng hiện hành có nơi, có lúc chưa nghiêm, chưa có sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, các đơn vị trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Hiện nay, đã có rất nhiều giải pháp được đề ra trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, thể hiện qua các chủ trương, chính sách, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ cũng như người đứng đầu Chính phủ. Vì thế, vấn đề mấu chốt trong thời gian tới là cần triển khai một cách nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả các quy định, chính sách đã ban hành. Cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị. Xác định rõ trách nhiệm của chính quyền, của chủ rừng và sự phối hợp của các ngành chức năng.

Đối với lực lượng Kiểm lâm cần triển khai thực hiện tốt, tròn vai chức năng bảo vệ rừng và giúp chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Phóng viên: Tại Hà Nội và một số địa phương khác tiến độ giao đất, giao rừng diễn ra rất chậm. Nhiều ý kiến cho rằng, rừng bị tàn phá thời gian qua có nguyên nhân do chưa có chủ nên chưa được bảo vệ tốt. Vậy, theo Phó Tổng cục trưởng đâu là nguyên nhân; hướng tháo gỡ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn?

Ông Nguyễn Quốc Trị: Đúng là có thực tế trong một số năm gần đây, việc giao đất, giao rừng ở nhiều địa phương diễn ra chậm. Trong khi đó, với xu thế xã hội hóa nghề rừng thì các cơ chế, chính sách trong quản lý, bảo vệ rừng muốn thực hiện được tốt phải dựa trên nền tảng cơ bản nhất, đó là rừng phải có chủ, chủ rừng phải được Nhà nước giao quyền sử dụng rừng. Đây cũng được coi là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến việc triển khai các chính sách, không những trong công tác bảo vệ rừng mà cả vấn đề phát triển rừng cũng như thu hút các nguồn lực xã hội hóa trong công tác bảo vệ rừng.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang rà soát, đánh giá cụ thể hiện trạng, thực chất công tác giao rừng, cho thuê rừng gắn liền giao đất, cho thuê đất. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh việc xây dựng đề án và triển khai việc giao rừng, cho thuê rừng, cùng với việc rà soát, sắp xếp diện tích rừng do các ban quản lý rừng, các công ty lâm nghiệp khi thực hiện việc rà soát, sắp xếp theo Nghị quyết 30-NQ/TW và Nghị định 118/NĐ-CP.
Chung tay bảo vệ rừng, từ đó mới có thể phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững

Phóng Viên: Một trong những yếu tố quan trọng trong quản lý, bảo vệ rừng là cần có sự phối hợp của chính quyền địa phương, cơ sở với kiểm lâm. Theo Phó Tổng cục trưởng, những năm qua, sự phối hợp đã hiệu quả chưa và cần có những thay đổi khắc phục hạn chế gì đối với công tác này? Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có những giải pháp cụ thể gì để nâng cao chất lượng công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiên quyết đóng của rừng tự nhiên?

Ông Nguyễn Quốc Trị: Tại cơ sở, trách nhiệm kiểm lâm địa bàn là tham mưu cho chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp. Vì thế, chính quyền cơ sở có trách nhiệm chỉ đạo, giám sát hoạt động của kiểm lâm địa bàn, chỉ đạo việc phối hợp hoạt động của kiểm lâm địa bàn với công an xã, dân quân tự vệ và các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn trong bảo vệ rừng. Về cơ bản, trong những năm qua, các ngành chức năng, lực lượng kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng đã xây dựng và triển khai tốt quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên cơ sở các quy định hiện hành. Tuy nhiên, một số nơi, hiệu quả trong công tác phối hợp chưa thật sự tốt, đặc biệt là trong việc điều tra, truy quét các trọng điểm phá rừng, khai thác lâm sản trái phép cũng như xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng.

Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành: Công an, Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, chỉ đạo các cơ quan trong hệ thống vào cuộc mạnh mẽ, hỗ trợ chính quyền các cấp tại địa phương thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng; đồng thời, có ý kiến đề nghị các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội chỉ đạo hệ thống dọc vào cuộc phát động nhân dân tham gia bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang triển khai một số giải pháp cụ thể, như: Chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp các ngành chức năng tăng cường kiểm tra truy quét các “đầu nậu”, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, chủ rừng có hành vi vi phạm pháp luật; kiểm tra, rà soát các cơ sở chế biến gỗ; quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ, xử lý nghiêm và kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các xưởng chế biến gỗ sử dụng gỗ bất hợp pháp, hoặc cố tình không chấp hành quy định về quản lý; tiến hành kiểm tra, rà soát, toàn bộ diện tích đất rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm sử dụng sai mục đích tại các công ty, doanh nghiệp...; kiên quyết xử lý vi phạm, thu hồi theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân vi phạm; chấn chỉnh, tăng cường hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm lâm theo Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 24/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án Kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của kiểm lâm giai đoạn 2014-2020”.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Hà Nội Mới


Bài đã đăng:
Văn bản mới

Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản

Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

 Xem thêm