ĐƯỜNG DÂY NÓNG: (0254) 3732.318 - (0254) 3732.320
Thông tin nội bộ ngành
Baochinhphu.vn

Công nghiệp chế biến gỗ: Đã qua thời cưa, xẻ


(Chinhphu.vn) – Chế biến lâm sản đã có từ lâu đời, những năm 90 ngành mới chập chững bước phát triển công nghiệp bằng những sản phẩm thủ công và xuất nguyên liệu thô. Nhưng đến nay với sự vươn lên mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực này, xuất khẩu lâm sản đã cán mốc 8 tỷ năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 đã trở thành ngành hàng xuất siêu số 1 trong nhóm ngành hàng nông nghiệp.


Sản xuất công nghiệp tận dụng được mọi thành phần của gỗ để tạo nên sản phẩm.
Ảnh: VGP/ Đỗ Hương

Hiệu quả từ sự vào cuộc của DN

Chế biến lâm sản được đánh giá là nghề truyền thống có từ lâu đời, nhưng thập niên 1990, giữa sự bao vây kinh tế, ngành mới dừng ở mức độ sản xuất thủ công, chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô sang các nước châu Á. Nhưng với ý chí vươn lên sánh cùng bè bạn trong khu vực, các DN đã nắm lấy thời cơ, đầu tư trang thiết bị máy móc và tổ chức sản xuất để làm nên ngành công nghiệp chế biến lâm sản ở mức cơ khí bán tự động và tự động trong khoảng thời gian đầu thập niên của thế kỷ này và đến nay Việt Nam đã là nước xuất khẩu lâm sản đứng đầu trong các nước ASEAN.

Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), năm 2008, cả nước có khoảng 2.500 DN, thì đến nay đã có khoảng 4.500 DN kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản, bao gồm 3.900 DN trong nước và 600 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó các DN vừa chế biến vừa trực tiếp xuất khẩu khoảng 1.500 doanh nghiệp.

Các DN chế biến gỗ chủ yếu ở khu vực tư nhân (khoảng 95%); theo quy mô sản xuất thì DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (vốn điều lệ dưới 50 tỷ đồng) chiếm khoảng 93%, còn lại là các DN quy mô vừa và quy mô lớn (có vốn điều lệ trên 50 tỷ đồng).

Về công nghệ sản xuất, các DN đã chú trọng đầu tư nhiều thiết bị hiện đại với hệ thống dây truyền sản xuất tự động, sản xuất được với nhiều chi tiết sản phẩm phức tạp, tiết kiệm nguyên vật liệu trong quá trình sản xuất. Điều này đã giúp các DN sản xuất được nhiều mặt hàng cao cấp, có chất lượng.

Trong 10 năm qua, từ chỗ phải nhập khẩu phần lớn máy móc, thiết bị, thì đến nay, ngành công nghiệp chế tạo cũng đã có sự phát triển và đã gia tăng tỉ lệ nội địa hóa. Cách đây 3 năm, từ chỗ phải nhập khẩu, chưa ai nghĩ có ngày Việt Nam xuất khẩu máy chế biến gỗ và dầu màu trang sức bề mặt, thì nay thực tế các sản phẩm này do Việt Nam sản xuất đã hiện diện tại các thị trường Bolivia, Myanmar, Campuchia, v.v…

Ngoài ra, sự phát triển của ngành chế biến gỗ hiện đại cũng đã giữ vai trò thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ như máy móc, công cụ sản xuất, vật liệu kim khí, bao bì, chèn lót và giúp các ngành khác như vận tải, logistic, chế tạo vật liệu mới… cùng phát triển.

Số lượng lao động làm việc trong các DN chế biến lâm sản cũng có sự gia tăng, đến nay có khoảng 500.000 lao động, trong đó lao động được đào tạo, làm việc ổn định chiếm 55-60%, còn lại là lao động giản đơn theo mùa vụ chiếm khoảng 40-45% tổng số lao động. Nếu thống kê số lượng lao động trong lĩnh vực trồng rừng, cung cấp nguyên liệu cho chế biến lâm sản, thì ngành chế biến lâm sản còn thu hút hàng triệu lao động ở khu vực nông thôn miền núi trực tiếp đóng góp công sức để gây trồng tạo nguồn nguyên liệu cho sản xuất chế biến lâm sản.

Bước đầu xây dựng uy tín quốc tế

Từ điểm xuất phát thấp khi chỉ chủ yếu sản xuất các sản phẩm mộc dân dụng để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu nguyên liệu thô sang một số nước châu Á, đến nay ngành công nghiệp chế biến tạo ra được những sản phẩm mẫu mã đẹp, phong phú về chủng loại, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Đặc biệt, đã có nhiều mặt hàng góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua như các loại sản phẩm gỗ nội thất chất lượng cao được ưa chuộng trên thị trường thế giới, gồm: bàn, ghế, tủ giường sử dụng trong văn phòng, gia đình và khách sạn; các loại cửa, ván sàn sử dụng trong xây dựng và các loại sản phẩm đồ gỗ ngoại thất…

Trong vòng 10 năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, tăng hơn 2,7 lần, từ 2,3 tỷ USD năm 2007 lên hơn 8 tỷ USD vào năm 2017, đưa ngành chế biến lâm sản trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm ngành hàng nông lâm thủy sản, đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Trên bình diện quốc tế, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đứng thứ 5 trên thế giới, đứng thứ 2 châu Á và lớn nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ.

Năm 2017, mặc dù tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, cạnh tranh và rào cản kỹ thuật, yêu cầu về đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp tại nhiều thị trường, nhưng xuất khẩu gỗ vẫn tiếp tục đạt được những kết quả tích cực với kim ngạch đạt 8,032 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2016, tỷ lệ xuất siêu trên 70% và giá trị gia tăng trên 40%...

Trong 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt kim ngạch 4,348 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 2,865 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ 2017. Với kết quả xuất khẩu lâm sản của 6 tháng qua, hy vọng ngành chế biến lâm sản tiếp tục duy trì được sự tăng trưởng xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm để đạt được 9 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu lâm sản trong cả năm 2018.

Thị trường xuất khẩu đã có nhiều biến chuyển mạnh mẽ, nếu như trước đây chỉ tập trung vào các thị trường trung chuyển như Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc… để tái xuất khẩu sang nước thứ ba, đến nay đồ gỗ Việt Nam đã xuất khẩu trực tiếp được sang 120 và vùng lãnh thổ.

Các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc. Năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của các thị trường này chiếm tỷ trọng trên 88% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Cùng với sự lớn mạnh của nền công nghiệp chế biến lâm sản, đến nay nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng khai thác trong nước đã thay thế gỗ rừng tự nhiên trong nước, đáp ứng cơ bản cho nhu cầu chế biến gỗ phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Quan trọng hơn, theo nhìn nhận của Bộ NN&PTNT, hiện nay ngành lâm nghiệp đã hình thành một số mô hình liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp chế biến và người trồng rừng nguyên liệu đạt hiệu quả kinh tế cao, gắn với bảo vệ môi trường. Đây chính là tiền đề vững chắc để phát triển một nền sản xuất công nghiệp thực sự có dấu ấn thương mại quốc tế và tạo giá trị kinh tế phủ rộng đến 500.000 lao động trên cả nước.



Bài đã đăng:
Văn bản mới

Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản

Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

 Xem thêm